Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ: Chưa nâng chất đã lo tăng thu

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật: Thứ ba, 28/04/2009

Nếu giảm áp lực tuyến tỉnh, Trung ương mà tăng áp lực tuyến huyện thì bài toán tăng điều kiện phục vụ bệnh nhân BHYT đã không có lời giải

“Vấn đề của bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay là nâng chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh (KCB) để thu hút ngày càng đông người tham gia chứ không phải lo tăng mức đóng”. Bác sĩ Thái Huy Phong, Bệnh viện Thánh Tâm – TPHCM, đã nhận định như vậy về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.


Bệnh nhân nhận cấp thuốc theo sổ BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115 - TPHCM. Ảnh: T.THẠNH

Vừa mở đã... đóng


Sau một thời gian dài việc thanh toán chi phí BHYT bị “bó” quá chặt, thời gian gần đây, cơ quan BHXH đã nới rộng việc thanh toán, nâng chất lượng phục vụ bệnh nhân BHYT. Việc này đã thu hút người dân và cả hệ thống y tế tư nhân tham gia. Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo nghị định hướng dẫn Luật BHYT (có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2009), dư luận đã không đồng tình.


Theo dự thảo nghị định, từ ngày 1-1-2010, mức đóng BHYT là 4,5% mức tiền lương, tiền công tháng. Ai cũng biết mức lương của người lao động hiện nay còn thấp, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất. Và trong thời điểm hiện nay, suy thoái kinh tế đã làm cuộc sống của người lao động thêm khó khăn. Bà Nguyễn Thị Kiều, giám đốc một doanh nghiệp may mặc ở quận Tân Bình –TPHCM, tính toán: Chi phí tiền lương của các doanh nghiệp gia công chiếm trên 40% doanh thu của doanh nghiệp. Tăng mức đóng BHYT thì quá khó khăn cho doanh nghiệp và cả người lao động.


Còn đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng... dự thảo quy định phải đóng toàn bộ 4,5%. Thu nhập của những người này đã thấp, tăng mức đóng sẽ làm đời sống của họ thêm khó khăn.


Vấn đề càng đáng lo ngại khi Luật BHXH cũng quy định trong thời gian tới, mức tham gia BHXH cũng sẽ tăng. Cộng hưởng từ những vấn đề này quả là đáng ngại bởi tiền lương của người lao động không tăng mấy trong thời gian gần đây.


Dùng bệnh nhân để giải bài toán quá tải!


Theo Luật BHYT, người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB ban đầu ở tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Trường hợp đăng ký ở tuyến tỉnh hoặc Trung ương thì phải theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế. Trong đợt tập huấn gần đây về triển khai Luật BHYT, cán bộ Bộ Y tế cho rằng quy định này nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện ở tuyến trên. Mặt khác, việc tập trung bệnh nhân ở tuyến quận, huyện sẽ tạo điều kiện cho bệnh viện tuyến này đầu tư mở rộng cơ sở, nâng cấp trang thiết bị...


Lý do này thoạt nghe tưởng chừng hợp lý nhưng nghĩ kỹ lại thấy phi thực tế. Hiện nay, bệnh viện tuyến quận, huyện cũng đang quá tải. Nếu giảm áp lực tuyến tỉnh, Trung ương mà tăng áp lực tuyến huyện thì bài toán tăng điều kiện phục vụ bệnh nhân BHYT đã không có lời giải. Mặt khác, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất là trách nhiệm của Nhà nước, của bệnh viện để thu hút bệnh nhân chứ không thể dùng bệnh nhân làm công cụ “kích cầu” cho các bệnh viện.


Ông Nguyễn Hữu Tùng, Giám đốc hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ, cho biết: Muốn đón nhận bệnh nhân nhiều, trước tiên bệnh viện tuyến quận, huyện phải nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Còn nếu như chủ trương thu hút bệnh nhân để có thêm nguồn thu, từ đó đầu tư lại cho bệnh viện là ngược quy trình. Bệnh nhân BHYT cũng là khách hàng nên có quyền lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu. Ấn định việc đăng ký KCB là tước quyền lựa chọn của khách hàng, điều không thể chấp nhận trong cơ chế thị trường.


Thanh toán chi phí vẫn còn bất hợp lý


Tầm quan trọng của BHYT đối với người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp không phải bàn cãi. Thế nhưng, vấn đề là phải làm sao để chính sách ngày càng phát huy tác dụng: thu hút đông người tham gia, nâng chất lượng phục vụ, hợp lý trong việc thanh toán chi phí KCB... Dự thảo đã có nhiều quy định tiến bộ. Chẳng hạn, trước đây, KCB trái tuyến chỉ được thanh toán tối đa 80.000 đồng (điều trị ngoại trú) và 1.080.000 đồng (điều trị nội trú) thì nay KCB trái tuyến được thanh toán 70% chi phí ở tuyến quận, huyện; 50% ở tuyến tỉnh và 40% ở tuyến Trung ương, bất kể chi phí như thế nào.


Tuy nhiên, nhiều bất hợp lý khác đã không được điều chỉnh. Giám đốc một bệnh viện tư tham gia KCB BHYT phân tích: Tại mục a, khoản 1, điều 7 chương II quy định mức hưởng BHYT là “100% chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu” quá xa rời thực tế và không công bằng. Bởi lương tối thiểu hiện nay còn quá thấp và chênh lệch lớn giữa các loại hình doanh nghiệp. Chưa kể nhiều quy định khác cũng lỗi thời như KCB trái tuyến thì tiền khám được ấn định là 3.000 đồng/lần và giường bệnh là 18.000 đồng/ngày. Mức quy định này thấp hơn hàng chục lần so với thực tế.

Ông Bùi Đức Tráng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM:

Mỗi năm thanh toán gần 2.000 tỉ đồng


Mỗi năm, hệ thống bệnh viện tại TPHCM đã KCB cho khoảng 6,6 triệu lượt người với tổng số tiền thanh toán lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 5,5 triệu lượt người KCB ngoại trú với tổng số tiền khoảng 830 tỉ đồng, hơn 658.000 lượt KCB nội trú với tổng chi phí hơn 1.100 tỉ đồng. Cũng trong năm này, quỹ BHYT của TPHCM bội chi 300 tỉ đồng. Về nguyên tắc, phải bảo đảm tính bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT. Tuy nhiên, chúng tôi không lo chuyện vỡ quỹ.

P.H ghi
Nguồn: Phạm Hồ - NLĐ Online

.................................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét